Đại lý chính thức gốm sứ Minh Long 1 - Việt Nam

CTY TNHH MTV Vương Khánh Vinh - gomsuminhlong1.vn

Hướng tới thương hiệu gốm sứ toàn cầu


Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I:
Hướng tới thương hiệu gốm sứ toàn cầu
T.H thực hiện

Ông Lý Ngọc Minh giới thiệu hai sản phẩm độc
đáo - Chén ngọc Thăng Long và Cúp Hồn Việt.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, nói về những công nghệ mới nhất mà công ty đang áp dụng để sản xuất ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Festival Gốm sứ Việt Nam-Bình Dương 2010 là một trong những lễ hội lớn nhất ở miền Nam hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề gốm sứ của Bình Dương và các địa phương khác trong cả nước, Festival là cơ hội để giới thiệu cho cả nước và bạn bè quốc tế các sản phẩm gốm sứ của cả nước. Nhân dịp này, tạp chí Tia Sáng đã phỏng vấn ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, một trong những doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương.
Với tư cách là một đơn vị thành viên của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, vai trò của Công ty gốm sứ Minh Long I trong Festival lần này là như thế nào?

Festival Gốm sứ Việt Nam-Bình Dương lần này nhằm tạo ra sân chơi cho các đồng nghiệp, các thành viên trong Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương có dịp biểu diễn các công nghệ sản xuất gốm sứ, triển lãm các sản phẩm độc đáo và khoe tài trên các sản phẩm đó. Đây là dịp để các thành viên trong hiệp hội trưng bày những sản phẩm độc đáo của mình giúp công chúng biết đến họ nhiều hơn và chiêm ngưỡng những sản phẩm đẹp, mới lạ, lần đầu được giới thiệu trên thị trường. 

Festival lần này được coi là cây cầu nối nhằm giúp các doanh nghiệp trong hiệp hội có điều kiện tiếp cận với thị trường trong nước, với người tiêu dùng và giới thiệu các sản phẩm trước đây chủ yếu để xuất khẩu tới người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gốm sứ giao lưu, học hỏi và hợp tác với nhau để cùng phát triển. Ngoài ra, Festival cũng là giúp Công ty Minh Long I được giao lưu với các hiệp hội, làng nghề và bạn bè từ những nước khác để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Xin ông cho biết Minh Long I sẽ mang tới Festival Gốm sứ Việt Nam Bình Dương 2010 những sản phẩm gì? 

Trong Festival lần này, Công ty Minh Long I sẽ mang tới liên hoan những sản phẩm độc đáo, kỷ lục đã từng được Minh Long giới thiệu vào năm 2009, như chiếc Cúp Lạc Hồng hay Chén Ngọc Thăng Long.

Chiếc Cúp Lạc Hồng 
chiều cao là 80cm, trọng lượng 20 kg có họa tiết Rồng Phượng (vừa Rồng vừa Tiên ), với dáng vẻ uy nghi của một vị vua, chung quanh có sáu con rồng chầu như lúc vua lâm triều với bá quan văn võ, bên trên có 2 con rồng quấn quýt nhau như sự thương yêu đoàn kết.

Còn Chén Ngọc Thăng Long có trọng lượng 29 kg, cao 80 cm với các họa tiết khắc họa quá trình hình thành Thăng Long - Hà Nội. Trên chiếc chén vẽ hai cảnh. Cảnh Thăng Long 1000 năm trước mô phỏng theo sách vở cha ông để lại, với Hồ Hoàn Kiếm, Hoàng Thành Thăng Long, với tấp nập tàu thuyền và chợ búa; và cảnh Hà Nội ngày nay với Lăng Bác, Chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc, Phủ Chủ tịch...

Trong liên hoan lần này, Minh Long I cũng giới thiệu Chén Ngọc Văn Lang cao 80 cm nặng 29 kg. Họa tiết hoa văn trên Chén Ngọc Văn Lang, một mặt miêu tả cảnh sinh họat cộng đồng các dân tộc thời vua Hùng dựng nước, với cảnh sản xuất giã gạo, chẻ củi, săn bắt, cảnh sinh hoạt cộng đồng bên nhà sàn gắn liền với văn minh lúa nước thời Đông Sơn… Mặt còn lại của chén là cảnh miền quê Nam bộ với hình ảnh luỹ tre làng, những hình ảnh tuổi thơ hồn nhiên như kéo mo cau, nhảy dây…, tất cả đều gần gũi và diễn tả một cuộc sống an nhàn, thanh bình trong một làng quê êm ả.

Còn Cúp Hồn Việt là chiếc cúp phá kỷ lục với chiều cao 1 mét và nặng 39kg thì miêu tả những danh lam thắng cảnh đẹp của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột, Hồ Gươm… Trên chiếc cúp cũng có những cảnh sinh hoạt cộng đồng như thiếu nữ đi lễ chùa, những em bé nhảy dây, những hình ảnh xe ngựa …, giúp cho người xem tìm về cội nguồn dân tộc và thấy cả mình trong đó. Ngoài ra, những cánh hoa sen cách điệu, những cành dương xỉ tượng trưng cho lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam cũng sẽ được những họa sĩ tài năng của công ty Minh Long I thể hiện trên các sản phẩm của mình. 


Để hòa nhịp cùng chủ đề của Festival: “Gốm sứ - Thế giới sắc màu” và đưa con người về với thiên nhiên, Minh Long dùng sứ Fine China để đem đến Festival bộ sản phẩm màu ngà sang trọng; bộ Ngọc Biến với những sản phẩm hình dáng con sò, con ốc rất dễ thương, rất đẹp và sang trọng, đặc biệt rất trang nhã trên bàn tiệc.

Để có được những sản phẩm đó, ngoài phần mỹ thuật hẳn ông đã áp dụng những công nghệ mới?

Những sản phẩm mới mà Công ty Minh Long I đưa ra tại Festival đều là các sản phẩm có kích thước lớn, được tạo ra từ những công nghệ mang tính tự động hóa cao như công nghệ máy dập bột, máy đúc áp lực cao … Trước khi sản xuất các chuyên gia của công ty phải nghiên cứu kỹ về nguyên vật liệu, cách tạo dáng sản phẩm, nhiệt độ nung để làm sao khi sản phẩm hoàn thành phải không bị nứt, không bị nghiêng ngả. Điều đặc biệt là khi nung ở nhiệt độ cao thân đất phải hóa sứ phải trở nên mềm và có độ co rút cỡ 20 %, kế đến là màu sắc và họa tiết phải làm sao có màu trông tươi thắm, đẹp mắt. Nhờ sử dụng phục chế màu xanh cobal (blue Huế) trên nền men ngọc nên trông rất đẹp. Sản phẩm lại được nung ở nhiệt độ cao, do vậy cảnh trí rất đẹp trông có chiều sâu. 

Ông có thể đưa ra một ví dụ về tác động của công nghệ cao đối với sản phẩm của Minh Long.

Công nghệ chiếm phần quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm bởi nếu như chúng ta có công nghệ tốt thì chúng ta sẽ tạo ra được những sản phẩm tốt, giá thành hợp lý và sản xuất theo dây chuyền hàng loạt, tạo ra những sản phẩm có độ đồng nhất cao. 

Trước đây chúng ta đã biết Minh Long I ứng dụng thành công Công nghệ Nano – tạo ra chất phụ gia cực nhỏ cỡ nanomet để phủ kính bề mặt men trên sản phẩm làm cho sản phẩm trở nên láng bóng, ít trầy xước, khó bám bẩn. Giờ thì công ty đã tạo công nghệ mới với mặt men và thân đất sản phẩm siêu cứng. Khách hàng có thể cảm nhận độ cứng của sản phẩm qua việc đóng được đinh 4 phân lên miếng gỗ bằng miệng thành của sản phẩm mà không để lại vết trầy men dù miệng sản phẩm men rất mỏng, chỉ dầy cỡ 2 ly.

Làm thế nào để Minh Long I làm chủ được những công nghệ này?

Công nghệ mới mà Minh Long I đang áp dụng là Trước đây để có được khuôn đúc áp lực thì công ty phải nhập từ nước ngoài với giá từ 8.000-10.000 euro và mất khoảng thời gian từ 3-4 tháng (nhập công nghệ, lắp đặt, chạy thử…), khuôn dập bột nếu nhập từ nước ngoài phải tốn chi phí khỏang 25.000-28.000 euro. 

Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã đầu tư nhiều tỉ đồng, thu hút một số chuyên gia giỏi từng bước hình thành một cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ mới. Do vậy đến nay Công ty Minh Long I đã chế tạo được sản phẩm thay thế các máy móc nhập ngoại với chi phí và nguyên vật liệu trong nước, giá thành chỉ vào khoảng chưa tới một nửa, cỡ 3.000-5.000 euro cho khuôn đúc áp lực và 5.000-8.000 euro với khuôn dập bột. Bên cạnh đó rút ngắn được thời gian lắp ráp, vận hành và chất lượng của các sản phẩm này hoàn toàn tương đương với hàng ngoại nhập. Từ đó rút ngắn được thời gian sản xuất sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng.

So sánh về trình độ công nghệ sản xuất gốm sứ hiện nay, chúng ta đang ở mức nào so với các quốc gia có truyền thống sản xuất gốm sứ?

Riêng với công ty Minh Long, chúng tôi có thể hãnh diện vì công ty đã áp dụng được các công nghệ cao vào loại hiện đại trên thế giới vào sản xuất. Còn công nghệ sản xuất gốm sứ Việt Nam, nhất là ở các làng nghề truyền thống, nhìn chung còn ở trình độ thấp.

Chính phủ vừa ban hành danh mục một số sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, trong đó có gốm sứ dân dụng và công nghiệp. Ông mong muốn nhận được sự ưu đãi gì? 

Tôi hy vọng sẽ được sự trợ giúp của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành có liên quan trong việc hình thành một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới để các doanh nghiệp đỡ mất thì giờ, công sức tìm kiếm học hỏi và cùng góp phần với Minh Long tạo dựng được một số thương hiệu gốm sứ nổi tiếng có tính toàn cầu. 
 
Xin cám ơn ông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét