Đại lý chính thức gốm sứ Minh Long 1 - Việt Nam

CTY TNHH MTV Vương Khánh Vinh - gomsuminhlong1.vn

Lý Ngọc Minh - Giám đốc công ty TNHH gốm sứ Minh Long I


Lý Ngọc Minh - Giám đốc công ty TNHH gốm sứ Minh Long I
Thứ năm, 10/05/2012, 15:47 GMT+7
"Tôi muốn các sản phẩm của mình vừa đậm chất Việt Nam lại vừa cổ kính, hiện đại và mang tầm quốc tế". Có một người với mong muốn ấy đã bôn ba khắp các xứ người mong tìm được những ý tưởng hay nhưng thất bại. Để rồi, chỉ một lần nhìn thấy cái lu chứa nước ở quê nhà Bình Dương, cái lu mái vú đậm chất Nam Bộ thưở nào, những bộ gốm sứ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước đã ra đời. Đó là ông Lý Ngọc Minh, giám đốc công ty TNHH Minh Long I, khách mời của Người đương thời trong buổi ghi hình sáng 19/12: Lý Ngọc Minh, vua gốm sứ Việt.
Gia tộc đã có ba đời theo nghề gốm sứ nhưng đến đời ông Lý Ngọc Minh, gốm sứ Minh Long mới khẳng định tên tuổi của thương hiệu. Gốm sứ Minh Long có mặt trong từng gia đình, bên mâm cơm, tách trà nóng, thậm chí đã vang xa tận năm châu bốn bể, có mặt tại trên 100 nhà hàng lớn nhỏ trên thế giới. Bởi thế, cũng thật có lý khi gọi ông là vua gốm sứ Việt.
Đến nay, sản phẩm của gốm sứ Minh Long đã có trên 15.000 chủng loại. Chất lượng của sản phẩm đã được chứng minh khi liên tục nhiều năm liền gốm sứ Minh Long được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lương cao" và hàng loạt huy chương vàng tại các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, gốm sứ Minh Long được tiêu thụ mạnh ở thị trường Châu Âu như Pháp, Đức, Thụy sĩ, Anh, Mỹ... bởi sự sang trọng và hiện đại, phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Nhưng nét độc đáo của gốm sứ Minh Long lại chính là hồn Việt, là văn hoá Việt trên từng sản phẩm.
Nhắc đến gốm sứ Minh Long, dù ở đâu cũng được người tiêu dùng nhận diện rất rõ, mặc dù chi phí cho quảng cáo của Minh Long hầu như không đáng kể. Câu chuyện xây dựng thương hiệu Minh Long quả thật thú vị và đáng kinh ngạc.
Có một triết lý và chiến lược dán mác Minh Long
"Tôi chia sản phẩm gốm sứ ra làm hai phần, phần "xác" là hình thể, còn phần "hồn" là những hoa văn trang trí", ông Ngọc Minh kể về những sản phẩm của mình.
Chiến lược rất riêng của Minh Long là 4 không và 4 có. Chiến lược ấy được thể hiện ngay trên chính sản phẩm Minh Long. 4 không là "không giới tính", "không biên giới", "không thời gian", "không tuổi tác". Thí dụ như hoa cảnh trong sản phẩm của Minh Long cũng phải được giới mày râu ưa chuộng. Hoa văn lịch sử cũng phải được giới trẻ yêu thích. Bộ tách trà sử dụng các loại trái cây nước ngoài nhưng vẫn cảm thấy gần gũi với người Việt. Giới trẻ tìm thấy màu sắc tươi vui trong bộ quả ngọt. Còn người đứng tuổi cũng cảm thấy hạnh phúc khi tặng quả ngọt cho nhau.
Nói khác đi, Minh Long rất tôn trọng triết lý phương Đông. Trong sản phẩm phải có dịch lý, âm dương hoà hợp, trong âm có dương, trong dương có âm và âm dương có thể chuyển hoá lẫn nhau.
Và bốn có là có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách và cuối cùng là phải có hồn. Hình ảnh của luỹ tre làng, cánh cò quê hương, cậu bé chăn trâu thổi sáo, cô gái tát nước, ông thầy đồ dạy học... được khắc hoạ rất sắc xảo, tinh tế. Những xóm làng Bắc bộ, Vịnh Hạ long, Chùa Một Cột, Hồ Gươm, vùng sông nước miền Tây...đủ làm trái tim những người Việt xa quê rưng rưng nhớ về quê hương, nguồn cội. Chưa hết, Minh Long còn lồng ghép vào sản phẩm những giá trị đạo đức, các bài học về tình người, văn hoá Việt qua nhóm sản phẩm: "Khối tình", "54 dân tộc", "Tuổi thơ", "Vinh quy bái tổ"...
Theo ông Lý Ngọc Minh, khách hàng mua sản phẩm Minh Long là mua "cái mắc", cái tinh xảo chứ không mua hàng giảm giá. Vả lại, từ mấy năm qua, 99% sản phẩm của Minh Long làm ra là để xuất khẩu, (khoảng 8 triệu USD kim ngạch xuất khẩu). Vì vậy sẽ không có gì quá khó khi cạnh tranh trong nước với hàng ngoại nhập. Cái khó lớn nhất của Minh Long là phải cạnh tranh với chính mình, làm sao phải thắng mình thì Minh Long mới có thể phát triển tiếp.
Câu trả lời chỉ là một niềm đam mê và một tinh thần Việt
Anh Lý Ngọc Minh giải thích về những sản phầm cầu kỳ, tinh xảo về ý tưởng của mình: "Tôi muốn giới thiệu một Việt Nam thu nhỏ với bạn bè năm châu với những vẻ đẹp hiền hoà, thiên nhiên hùng vĩ, con người nhân hậu và truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam...”
Lập nghiệp tại Bình Dương (Sông Bé cũ), chiếc nôi của gốm sứ miền Nam, nhưng ngay từ khi 12, 13 tuổi, nhìn những sản phẩm gốm sứ của quê mình, Lý Ngọc Minh cảm thấy sao còn thô kệch, quê mùa quá. So sánh với các sản phẩm nhập từ Nhật, Trung Quốc, Minh âm thầm nuôi ý tưởng phải làm một cuộc cách mạng để thay đổi về chất và hồn cho gốm sứ. Đó cũng là ý tưởng thấm dần và đeo đuổi anh suốt cả cuộc đời.
Năm 1968, vừa tốt nghiệp đại học, Lý Ngọc Minh gom tiền mở phòng thí nghiệm tìm men màu để làm gốm sứ. Thực tế đã làm anh vỡ lẽ nhiều điều. Không hề đơn giản như Minh nghĩ vì muốn làm được các sản phẩm gốm sứ hiện đại phải phụ thụôc vào máy móc, trang thiết bị kể cả áp dụng khoa học kỹ thuật... Điều đó vượt quá khả năng cho phép của anh và gia đình. Đành gác lại "cuộc cánh mạng" của mình để mưu sinh nhưng ý tưởng và niềm đam mê gốm sứ vẫn ám ảnh.
"Thế là tôi bôn ba ra xứ người mong tìm được những ý tưởng hay nhưng tất cả đều không phù hợp vì nó quá Tây. Mãi đến năm 2000, sau 5 năm trời tìm kiếm, từ những hội chợ gốm sứ lớn nhất thế giới ở Frankfurt đến những quê hương cội nguồn của sứ, tưởng là quá đủ. Vậy mà tôi vẫn cứ thấy thiếu! Những nơi ấy chưa cho tôi ngộ ra cái mà tôi cho là văn hoá nghệ thuật mang tính hiện đại, đậm đà bản sắc Việt Nam"...
Bỗng một hôm khi về quê, tôi nhìn thấy cái lu chứa nước. Cái lu mái vú thưở nào trông nó đơn sơ mộc mạc nhưng rất đẹp, rất duyên mà lại rất gần gũi. Ý tưởng bắt đầu nhen nhúm và tôi thấy nó có lý vì nó thân quen với mọi người, nó là đặc trưng của đồ gốm Bình Dương. Trên hết nó rất Nam bộ. Tôi chụp chiếc nón lá lên miệng lu thấy nó đầy gợi cảm, rất Việt Nam... Từ đó, thân xác hình hài bộ đồ sứ ra đời mà sau này tôi đặt tên là dãy Hoàng Cung với hơn 54 sản phẩm khác nhau"....
Giáo sư Trần Văn Khê, người đầu tiên được anh Lý Ngọc Minh đưa xem hai bộ đồ trà Sơn Hà, Cẩm Tú đã thốt lên: "Tôi vô cùng xúc động trước cái đẹp tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật. Hình thức rất độc đáo, bình trà phỏng theo hình lu nước, nắp bình hình chiếc nón lá của nông dân miền Nam. Hoa văn nói lên được ý Con Rồng Cháu Tiên...Hình dáng, màu sắc, hoa văn mang tính chất đặc thù và tuyệt đẹp của Việt Nam. Tôi vô cùng mến phục anh Lý Ngọc Minh đã đi trên con đường kỹ thuật mà có cái nhìn xa đến nghệ thuật và văn hoá Việt Nam".

Người viết : Ban điều hành website www.kinhdoanhmlm.com