Đại lý chính thức gốm sứ Minh Long 1 - Việt Nam

CTY TNHH MTV Vương Khánh Vinh - gomsuminhlong1.vn

Tình quê trong mỗi chén cơm, tách trà


Tình quê trong mỗi chén cơm, tách trà
SGTT.VN - Hiếm di sản vật thể nào ẩn chứa nhiều thông điệp về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng và thẩm mỹ như đồ gốm sứ. Tìm hiểu hành trình gốm sứ qua các niên đại để hiểu hơn về dân tộc mình, về những vẻ đẹp ẩn chứa trong từng cổ vật, cũng chính là cách để đưa vẻ đẹp ấy vào trong mỗi mái nhà, cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng. Có lẽ vì thế mà cuộc toạ đàm “Gốm sứ trong đời sống ẩm thực Việt” tổ chức sáng 25.10 tại toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị đã thu hút được từ những nhà sưu tầm, nghiên cứu, khảo cổ đến người tiêu dùng bình dị.
Ngược về quá khứ
Ông Lý Ngọc Minh đang trình bày về nghệ thuật tạo tác gốm sứ.
Xưa nay, chơi gốm sứ và những toạ đàm về lịch sử gốm sứ thường chỉ dành cho một số ít những người thuộc giới thượng lưu, người có tiền, hoặc giới nghiên cứu khảo cổ. Vậy mà toàn bộ khách mời là độc giả báo Sài Gòn Tiếp Thị lại chăm chú lắng nghe những chia sẻ đầy tính chuyên môn của TS Nguyễn Thị Hậu về gốm Óc Eo, quan sát và thưởng lãm say mê bộ sưu tập quý của nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, đưa ra những câu hỏi đầy thách thức với nhà sản xuất Lý Ngọc Minh…
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng mang đến toạ đàm một số cổ vật trong bộ sưu tập gốm Lý – Trần của anh. Anh cho biết thế kỷ 10 – 16 là giai đoạn rực rỡ nhất của văn hoá Phật giáo Việt Nam, để lại dấu ấn mạnh mẽ trong gốm sứ. Đây là thời kỳ đồ gốm đã là mặt hàng chính trong xuất khẩu. Bằng chứng là hai thương cảng lớn Vân Đồn và Hội An, hình thành con đường gốm sứ trên biển.
Đến với buổi toạ đàm, nhà thiết kế Sĩ Hoàng giới thiệu toàn bộ công đoạn sản xuất của gốm Bàu Trúc, hoàn toàn làm bằng tay, với các quy trình nung đốt hết sức thô sơ, không hề dùng bàn xoay. Từ những bình gốm mộc mạc này, kết hợp với sự kỳ công, tinh xảo của các nghệ nhân kết cườm, Sĩ Hoàng đã làm sống lại một làng nghề tưởng chừng đã mất.
Gốm sứ Nam bộ trong dòng chảy hiện đại
Gốm cận đại phía Nam nói chung và Bình Dương nói riêng phát triển trên 200 năm nay, buổi đầu do người Hoa di cư sang mang theo nghề gốm. Gốm Cây Mai hiện được trưng bày rất nhiều ở chùa Bà là hình ảnh vô giá về chất lượng, độ nung, độ tinh xảo, tạo hình. Gốm Cây Mai lan truyền đến Bình Dương có nguồn gốc từ người Quảng Lái Thiêu. Năm 1960, Lái Thiêu có ông chủ Phùng Siêu sản xuất chén bằng máy đốt lò lửa đảo của Nhật có ống khói rất cao, chế được máy bửa củi, làm ra đồ sứ. Năm 1966, ông Lý Ngọc Minh – chủ nhân công ty Minh Long 1, lúc ấy mới 12 tuổi, được cha dẫn đến xem cuộc triển lãm sản phẩm ở đây, và từ đó trong ông cháy lên khát vọng làm một cuộc “cách mạng” cho nghề gốm sứ quê hương. Ông Minh xúc động kể: “Cuộc đời tôi có những run rủi may mắn, nhờ duyên thôi, không ai giỏi hơn ai. Sự tình cờ tham dự buổi triển lãm năm ấy theo tôi suốt bao năm. 16 tuổi, tôi không được đi học, nhà cửa cháy hết, chỉ có xó nhà vừa là chỗ ngủ cho năm mẹ con vừa là kho để chén, vậy mà má tôi, một người không có học, dám bỏ ra một số tiền lớn cho tôi đi học làm gốm”.
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng - Nhà thiết kế Sĩ Hoàng - TS Nguyễn Thị Hậu.
Gốm sứ Minh Long đang đứng ở đâu trên thị trường quốc tế? Đồ sứ Minh Long đã làm được gì? Trả lời câu hỏi này, ông Minh nhấn mạnh đến nhiệt độ nung, khác biệt kỹ thuật lớn nhất trong quy trình sản xuất gốm sứ. Nhiệt độ thấp, đất men chưa kết lại được. Ở một nhiệt độ nào đó sứ mới có độ trong, cho phép ánh sáng xuyên thấu. Đồ sứ châu Á nhiệt độ thường từ 1.250 – 1.3200C, chủ yếu là của Đài Loan, Trung Quốc. Sứ Nhật Bản từ 1.320 – 1.3400C. Sứ châu Âu như Pháp, Ý khoảng 1.3600C, chỉ có sứ Đức 1.3800C. Thời điểm 1994 – 1995, Minh Long 1 đang ở đỉnh cao về đồ xuất khẩu, nhưng ông Minh vẫn học kinh nghiệm Nhật Bản, chu du khắp thế giới để tìm kiếm công nghệ mới nhất. Từ Pháp, Ý, Anh, ông qua Đức và kết luận “công nghệ Đức là số 1”. Chọn công nghệ nung 1.3800C, khác biệt 100C đã mang lại cho Minh Long tiếng vang về chất lượng, mặt men cứng, kết cấu rắn chắc, nhưng cũng là một bài toán về năng lượng, bởi giá thành đắt gấp nhiều lần sản phẩm thường.
Những “đơn đặt hàng” tại chỗ
Làm thế nào để mỗi khi cầm chiếc chén ăn cơm hay thưởng thức tách trà, mỗi người Việt đều được gợi nhớ cả một không gian vời vợi của quá khứ? Đòi hỏi của nhà văn Trần Tiến Dũng cũng chính là trăn trở của nhà sản xuất Lý Ngọc Minh. Cuộc cách mạng về kỹ thuật và màu men của ông chính là vừa kế thừa và phát huy nét đẹp truyền thống, vừa làm mới và tìm tới sự hội nhập. Ông Minh tâm sự: “Màu xanh cobalt trong bộ Hồn Việt, Chén ngọc Thăng Long chính là kế thừa từ màu xanh blue Huế, rất đặc trưng của cung đình. Màu xanh celadon tiếp thu từ thời Lý – Trần, chỉ cường điệu một chút cho tươi hơn. Hoa văn bộ Lạc Hồng cũng lấy từ chiếc lá quăn trong gốm Bát Tràng, chỉ sửa đôi chút cho hiện đại… Những gì thân quen như cầu tre, bến nước, cánh đồng, cây cỏ, hoa sen… của Việt Nam đều được tái hiện, nhưng phải cải biên, để du nhập quốc tế. Cái hồn là của mình, nhưng kỹ thuật là của phương Tây”.
Làm thế nào phân biệt được hàng thật, hàng giả, sản phẩm gốm sứ an toàn cũng là quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ. Theo ông Minh, cách nhận diện rất đơn giản: nhìn màu men chảy từ trên xuống, nếu màu xanh đồng, nâu là không bảo đảm. Khi sờ lên hoa văn, hàng kém chất lượng thì dùng chì hàm lượng cao nên thấy cồm cộm. Cách thứ hai: lấy muối hoặc chanh, giấm, axít thoa lên, men đổi màu là hàng kém chất lượng, đựng thức ăn rất độc hại. Không chỉ nói, ông Minh còn lấy một chiếc ly thay búa đóng đinh vào gỗ mà đáy ly không có vết rạn, trầy xước!
Có những yêu cầu rất mới được đặt ra ở góc độ người tiêu dùng. Bạn đọc Cao Minh Hiền đề nghị: “Sao Minh Long không đầu tư sản xuất bộ sản phẩm phục vụ nhu cầu thờ cúng, tâm linh, vì đây cũng là nét đặc trưng văn hoá của người Việt nói riêng và châu Á nói chung. Những sản phẩm bày bán trên thị trường hiện nay đều là hàng Trung Quốc, chỉ hào nhoáng nhất thời, không mang được vẻ đẹp tâm hồn, tâm linh người Việt. Nếu có những bộ sản phẩm ấy dùng cho ngày lễ, tết, chưng trên bàn thờ gia tiên hoặc đem thi thố với thế giới thì tự hào hơn”. Phút cuối cùng, dù đã quá trưa, một phụ nữ nhiều tuổi vẫn tha thiết đặt câu hỏi với ông Minh: “Khi nào người tiêu dùng mới có các sản phẩm nồi sứ Minh Long để nấu cơm, kho cá, nấu canh? Vì sao sản phẩm bằng sứ nấu thường ngon và thơm hơn sản phẩm kim loại? Đến bao giờ ông mới sản xuất loại gốm mỏng hơn, tinh xảo hơn?...”
Ông Lý Ngọc Minh kết thúc buổi toạ đàm bằng những lời chân thực: “Làm sản phẩm thờ cúng rất khó, bởi các sản phẩm này không chỉ tả chân, mà còn phải kết hợp giữa ngôn ngữ tả thực, ngôn ngữ đồ hoạ và ngôn ngữ trừu tượng, thực hư kết hợp, mới tạo được vẻ đẹp thiêng liêng… Đồ sứ mỏng hơn tôi cũng bắt đầu làm, cái gì cũng phải có yêu cầu từ người tiêu dùng và phải có quy trình. Buổi toạ đàm thú vị hôm nay gợi ra cho tôi nhiều suy nghĩ, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu các mặt hàng mới, để phục vụ bà con mình tốt hơn…”
HƯƠNG XUÂN - ẢNH: LÊ HỒNG THÁI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét