Đại lý chính thức gốm sứ Minh Long 1 - Việt Nam

CTY TNHH MTV Vương Khánh Vinh - gomsuminhlong1.vn

Tinh hoa trong bản sắc - Gốm sứ Minh Long 1



Tinh hoa trong bản sắc

Thảo Minh | 28.01.2012 19:22

Gắn với tiếng tăm của gốm sứ Minh Long là dòng họ Lý ba đời làm gốm sứ ở đất Bình Dương, nhưng đến hậu duệ đời thứ ba mới thành công vang dội, làm rỡ ràng gốm sứ Việt Nam.



P.TGĐ công ty gốm sứ Minh Long 1 - Lý Huy Sáng

Ông Lý Ngọc Minh, thân sinh anh Lý Huy Sáng, tâm sự: “Thế hệ của tôi điều hành công việc bằng kinh nghiệm, còn thế hệ của những người được đi học bài bản ở nước ngoài như Sáng thì điều hành bằng lý luận cùng với kinh nghiệm nên có nhiều sáng kiến và mạnh dạn đưa ra những bước đột phá”.

Thế nhưng Huy Sáng lại cho rằng, tuy có kiến thức và phương pháp làm việc bài bản, song anh vẫn thấy áp lực rất lớn. Anh chia sẻ: “Nếu được chọn lựa, tôi vẫn thích là người khởi nghiệp hơn kế thừa, vì người khởi nghiệp có thể nhấc quả tạ 1, 2 ký tùy theo sức lực và khả năng, còn người kế thừa sẽ phải vác ngay quả tạ cả ngàn ký”.

Cũng do là người kế thừa nên năm 1992, Huy Sáng khi đó đang là học sinh lớp 11, đã một mình sang Canada học về quản trị kinh doanh theo lời khuyên của gia đình, dù ước mơ của anh là trở thành kỹ sư máy tính.

Trước chuyến bay sang Canada, ba anh không dặn dò gì nhiều mà tự tay nhét vào vali của con trai mấy cuốn sách: Rèn nghị lực để lập thân, Luyện ý chí, Đắc nhân tâm.

Chọn du học ngành quản trị kinh doanh, anh nói về tầm nhìn của mình: “Để công ty lớn mạnh thì việc quản lý là khó nhất”. Nhưng quản trị một hệ thống đã lớn như Minh Long 1 không phải chỉ cần có kiến thức trong sách vở, ở nhà trường. Anh Sáng nói:

“Cuộc sống luôn thay đổi, sự phát triển cũng luôn thay đổi, những gì là tốt trong hôm nay không hẳn sẽ tốt vào ngày mai, vì vậy phải có sự đổi mới.

Mất ba năm thử việc như một nhân viên hành chính và một công nhân trong xưởng tôi mới được giao cho việc quản lý những vấn đề liên quan đến khâu sản xuất và tổ chức vận hành bộ máy hành chính của công ty.

Qua ba năm tìm hiểu từng nhà xưởng, ca trực của công nhân, tôi đã cảm nhận được rất nhiều điều bất ổn trong bộ máy quản lý theo kiểu gia đình trị với tư duy thiên về cảm tính.

Tuy nhiên, không dễ thay đổi tư duy và cung cách làm việc đã trở thành thói quen. Ngay cả khi đưa người mới vào công ty nếu không khéo léo để người mới và người cũ hòa hợp với nhau cũng sẽ gây mâu thuẫn. Năm 2002, tôi chính thức về làm ở công ty nhưng những ý tưởng thay đổi chỉ mới được thực hiện vài năm nay”.

Quá trình đi đây đó học hỏi, tìm hiểu đối tác, Huy Sáng đã ngẫm ra cách quản lý là phải mạnh dạn giao việc cho cấp dưới. Anh lập ra hệ thống quản lý chặt chẽ sau đó mới giao việc theo quy trình và yêu cầu nhân viên phải báo cáo rõ ràng, cụ thể kết quả công việc.

Nhờ vậy, không khí làm việc ở Minh Long 1 cũng thêm sắc mới và vận hành theo hướng hiện đại hơn. Riêng sản phẩm, tuy chưa thể tiết lộ hết ý tưởng của mình, nhưng anh đã “bật mí” một vài ấp ủ cho những dòng sản phẩm mới không chỉ mang lại giá trị cho người dùng trong nước, mà còn tạo giá trị cho thương hiệu Minh Long 1 ở nước ngoài cả về mặt nghệ thuật lẫn giá trị văn hóa và sự tiện ích.

“Đến giờ tôi mới thấm thía những gì ba tôi trao gửi cho tôi qua những cuốn sách. Ba lập tủ sách Nguyễn Hiến Lê trong nhà không chỉ để dạy chúng tôi trở thành những người sống có đạo, mà quan trọng hơn là ba muốn chúng tôi tiếp tục thay ông gửi gắm những triết lý, nhân sinh quan này vào từng dòng sản phẩm Minh Long 1”, Sáng bộc bạch.

Sản phẩm của Minh Long 1 thường gắn với những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam: lũy tre làng, cánh cò, mục đồng thổi sáo, cô gái tát nước... Những giá trị đạo đức, các bài học về tình người, văn hóa Việt cũng được Minh Long 1 lồng ghép qua nhóm sản phẩm: "Khối tình", "54 dân tộc", "Tuổi thơ", "Vinh quy bái tổ"...

Mỗi năm Minh Long 1 đã gửi đi khắp thế giới các “câu chuyện gốm sứ” chứa trong sản phẩm của mình được làm từ 3.000 - 5.000 tấn vật liệu.

Riêng hàng xuất khẩu đã có tới 3.000 mẫu mã khác nhau được tiêu thụ mạnh tại các thị trường châu Âu, Mỹ..., từ bộ đồ ăn, ấm trà cho tới quà tặng các nguyên thủ quốc gia trên thế giới; các cúp độc đáo nổi tiếng “Vì người nghèo”, Hội nghị APEC cho đến phù điêu và hàng gốm sứ mỹ nghệ.

Những kỹ thuật trong lĩnh vực gốm sứ Minh Long 1 làm được hết, nhưng điều Minh Long 1 tự hào nhất là kỹ thuật vẽ màu ở nhiệt độ 1.380 độ mà không cơ sở nào làm được. Người tiêu dùng Việt Nam đang bị mê hoặc bởi màu đỏ thắm, màu xanh vua, màu đỏ cung đình... của sản phẩm Minh Long 1.

Theo Huy Sáng, sự khác biệt làm nên giá trị sản phẩm, còn bản sắc văn hóa dân tộc sẽ làm nên sự khác biệt trong một thế giới phẳng. Anh tâm sự:

“So với các sản phẩm gốm sứ của các thương hiệu nước ngoài, gốm sứ Minh Long 1 không thua kém về kỹ thuật và chất lượng, nhưng giá bán lại rẻ hơn chỉ vì mình còn thua họ về bề dày thương hiệu và cách quảng bá. Đó cũng là điều khiến tôi trăn trở và cảm thấy trách nhiệm của mình còn nặng nề”.

Sắp tới, Huy Sáng sẽ đưa vào thí điểm mô hình kinh doanh cho khách tham quan nhà xưởng để họ hiểu được một sản phẩm đã phải qua bao nhiêu công đoạn và kỳ công như thế nào, từ đó họ mới thấy được giá trị của sản phẩm và yêu quý thương hiệu của mình.

Đây cũng là cách để Minh Long 1 nâng tầm sản phẩm lên một giá trị tinh thần để có thể theo kịp xu hướng thế giới đang nhắm tới.

(Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn)


Gốm sứ nội 'át' hàng ngoại


Gốm, sứ nội 'át' hàng ngoại
Mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phù hợp... là lý do khiến nhiều người tiêu dùng Việt có xu hướng quay trở lại chọn các sản phẩm gốm sứ nội địa. Các thương hiệu gây nhiều chú ý hiện như gốm Minh Long, Bát Tràng, Cường Phát...

Với tâm lý hàng nhập mới là đồ tốt, trước đây, gia đình chị Yến ở Tân Mai, Hà Nội vẫn thường bỏ không ít tiền để sắm bát, đĩa gia dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc. Song, tình cờ một lần ghé chơi nhà cô bạn, chị Yến mới hay, những món đồ đó hóa ra đều là hàng Trung Quốc, được bạn chị mua với giá khá rẻ. "Chất men nhìn ở ngoài thì sáng, đẹp thật, nhưng dùng hàng ngày, mình cũng thấy chúng mỏng, giòn nên dễ vỡ lắm", chị Yến nói.

Từ đó, chị Yến chuyển sang xài hàng trong nước có giá cả mềm hơn, mẫu mã cũng không hề thua kém. "Chỉ tầm một triệu đồng là được một bộ ấm chén đẹp long lanh, khách đến nhà mình chơi ai cũng tưởng ông xã mua ở nước ngoài về. Được cái, chúng không bị đóng cặn chè, cà phê, dùng hơn một năm vẫn mới, không bị xây xước gì", chị Yến nói.

Gốm sứ trong nước được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Ảnh minh họa.


Còn chị Phượng, nhân viên hành chính của một công ty ở Hà Nội, từ khi nghe chuyện phát hiện lẫn tạp chất chì và cadmium có khuynh hướng gây độc cho người tiêu dùng trong đồ gốm Trung Quốc thì lo lắng, quay ra trung thành với đồ nội. "Đi đâu cũng thấy mác ngoại, nhưng Hàn Quốc, Đài Loan mình cũng sợ, cứ hàng Việt, xuất xứ, địa chỉ rõ ràng là yên tâm mua", chị chia sẻ.

Theo giới kinh doanh các sản phẩm gốm sứ tại Hà Nội, nếu như trước đây ở hầu hết các chợ, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh nhờ giá rẻ, mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, hàng nội được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn.

Chị Huệ, chủ một cửa hàng trên phố Hàm Long tiết lộ, từ cuối năm 2010 đến nay, doanh thu từ việc bán sản phẩm trong nước chiếm đến 50%, con số này tăng gần gấp đôi so với những năm trước đó. Trong đó, gốm, sứ cao cấp như Minh Long được nhiều người chọn do hoa văn, họa tiết sắc sảo, không bong tróc, không bị mờ, màu sắc thanh nhã tự nhiên.

"Giá cao hơn khoảng 20% so với hàng Trung Quốc nhưng vẫn rẻ hơn hàng Hàn Quốc, Nhật Bản mà chất lượng tốt, an toàn, bền, mẫu mã cải tiến đẹp, ai nhìn qua lúc đầu cũng tưởng hàng nhập ngoại. Vì thế, cửa hàng bán chạy lắm, mua làm quà biếu hay dùng đều thích hợp", chị Huệ nói.

Khảo sát của VnExpress.net tại một số chợ đầu mối như Đồng Xuân, Thành Công, Ngã Tư Sở cho thấy, các sản phẩm hàng Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần về số lượng. Lý do là, người tiêu dùng không còn mấy mặn mà, dù rằng các sản phẩm này được chào bán với giá khá mềm.

Hiện một chiếc bát ăn được chào giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng, ca cốc giá chưa đến 50.000 đồng mỗi chiếc, ấm chén có giá dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng một bộ, có khi lên đến hàng triệu tùy theo chất lượng và độ tinh xảo. Một số sản phẩm ngoại nhập khác xuất sứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản có giá đắt hơn từ vài chục nghìn đến hơn một trăm nghìn mỗi sản phẩm cũng được bày bán tại đây.

Anh Hải, kinh doanh tại chợ Thượng Đình, Hà Nội cho biết bán hàng nội địa, lãi bình quân chỉ khoảng 20%, trong khi với đồ Trung Quốc, Hàn Quốc... anh lãi từ 30% đến 50%. Nhưng do thời gian gần đây, hàng Trung Quốc bán khá chậm, nên dù lãi ít anh vẫn nhập chủ yếu là sản phẩm trong nước, kiếm doanh thu theo tiêu chí số lượng.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc công ty gốm sứ Minh Long 1 cho hay, sản phẩm sứ chất lượng cao không chỉ trắng, tròn, trong và mỏng, mà còn phải thỏa mãn độ bền cơ học và đặc biệt là phải tuyệt đối an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Sản phẩm sành sứ, sau khi tráng men vẫn có những lỗ nhỏ tạo thành độ nhám trên bề mặt sản phẩm mà mắt thường không thấy được, chỉ có đồ sứ có công nghệ Nano mới lấp được nhẵn mặt men làm cho dầu mỡ, bụi bẩn khó bám được. Sử dụng sản phẩm sứ cao cấp bền hơn các loại sứ thường gấp 5-10 lần.

Ngoài ra, chất lượng tốt còn ở vị trí mỏng có thể thấu quang, ánh sáng mạnh có thể xuyên qua được. Màu sắc trắng sáng, không bị xám. Độ tròn hoàn thiện, dùng sản phẩm này úp lên sản phẩm kia vừa khít. Khi gõ vào sứ cao cấp, tiếng kêu lảnh lót, gần với tiếng kêu của kim loại. Hoa văn trên đó nhã nhặn, sắc sảo, tự nhiên mà không hề bong tróc vì được nung ở nhiệt độ cao.

"Áp dụng công nghệ Nano với chất men nên chất chát của trà, dầu mỡ, cà phê không bám được. Khi dùng sứ đun thức ăn lâu hỏng, tốt cho sức khỏe, sờ vào cảm thấy mát lạnh, giữ nhiệt độ thức ăn ổn định", ông Minh tư vấn.


Ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban quản lý chợ Bát Tràng cũng cho rằng xét về mẫu mã, hàng Trung Quốc phong phú, bắt mắt hơn nhưng do sản xuất dây chuyền dập khuôn nên đều đều như nhau. Trong khi đó, sản phẩm Việt lại có bản sắc riêng. "Người Việt dùng hàng Việt, gốm sứ nội hiện rất tốt và được cải tiến nhiều về hình thức, giá vừa phải nên người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn", ông Phùng Văn Hữu khuyến cáo.

Xuân Ngọc - Văn Hữu

Cúp Hồn Việt được bán với giá 6 tỷ đồng



Cúp Hồn Việt được bán với giá 6 tỷ đồng

Trong chương trình "Nối vòng tay lớn" năm 2011 diễn ra tối 31/12, phiên đấu giá chiếc Cúp Hồn Việt đã góp thêm 6 tỷ đồng để gây quỹ ủng hộ người nghèo.










Chương trình Nối vòng tay lớn ngoài các hoạt động văn nghệ thuật và vinh danh các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã đóng góp sức mình cùng chung tay giúp đỡ người nghèo thì phần đấu giá trực tiếp sản phẩm để làm từ thiện là phần hồi hộp và hấp dẫn người xem.

Trong đêm hội ấm tình người của chương trình Nối vòng tay lớn 2011, cúp Hồn Việt – tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của công ty Gốm sứ Minh Long I - được chọn là sản phẩm duy nhất đấu giá trực tiếp gây quỹ ủng hộ người nghèo với giá khởi điểm là 1,5 tỉ.

Chiếc cúp Hồn Việt của Công ty gốm sứ Minh Long I là chiếc cúp được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam – chiếc cúp bằng sứ liền khối cao nhất tại Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010. Cúp Hồn Việt là tác phẩm chứa đựng tâm linh “Hồn Việt”, thể hiện tính mỹ thuật cao, được công ty Minh Long tuyển chọn vàng 24k để mạ lên trên chiếc cúp tạo nên vẻ đẹp sáng bóng, lung linh mà sang trọng.

Sau phiên đấu giá sôi nổi ở cả 2 điểm cầu Hà Nội và TPHCM, từ giá khởi điểm 1,5 tỷ đồng, cuối cùng, đại diện Golf Long Thành đã thắng đấu giá chiếc cúp Hồn Việt với mức 6 tỷ đồng.

Bên cạnh chiếc cúp Hồn Việt, trước đó có rất nhiều sản phẩm đã được đấu giá và tìm ra chủ nhân của nó như: “Quốc bình Thăng Long”- sản phẩm của công ty TNHH Cường Phát được bán với giá 500 triệu với chủ nhân mới là ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch tập đoàn thép Việt Nhật, “Âm hưởng Thăng Long” được bán với giá 300 triệu, “Cá chép hóa rồng” đã được bán với giá 200 triệu, Trống đồng đấu giá thành công với mức giá là 1 tỷ đồng…





Tác giả : Huyền Trang